Chuỗi Hồi ký những ngày không ở Việt Nam gồm 3 phần, viết về những kỉ niệm năm 22 tuổi của mình khi lần đầu xuất ngoại. Chuyến đi năm đó có rất nhiều điều đáng nhớ, nhưng mình lúc đấy chỉ viết lại có mấy câu chuyện nhỏ này thôi, thật đáng tiếc!
Hồi ký gồm ba phần như bên dưới:
- Phần 1: Singapore & Những bỡ ngỡ lần đầu xuất ngoại
- Phần 2: Chuyện quả táo phiêu lưu ký & Kiểm tra an ninh ở sân bay Frankfurt
- Phần 3: Cuộc gặp gỡ 9 tiếng kỳ diệu với kinh đô ánh sáng Paris
Bài viết hôm nay là phần 2, kể lại hai câu chuyện nhỏ mình nhớ lại sau hai tuần ở châu Âu. Dưới đây là bài viết mình đã đăng trên Facebook cá nhân ngày 8/7/2012.
—
Phần 2: Chuyện quả táo phiêu lưu ký & Kiểm tra an ninh ở sân bay Frankfurt
Suốt gần một tháng, chính xác là 28 ngày, mình đặt chân tới lần lượt năm quốc gia cùng rất nhiều bạn mới. Quá nhiều điều đáng nhớ xảy ra nhưng mình lại không thể nhớ hết được.
Không biết bắt đầu từ đâu, cho nên mỗi hôm nhớ được cái gì mình sẽ viết một chút. Sau này đọc lại chắc sẽ bồi hồi và thấy ngọt ngào trong lòng :”> Vì nhớ gì kể đó nên chuyện rất lộn xộn không theo trình tự thời gian, mong các bạn thông cảm 😛
Câu chuyện quả táo
Chuyến đi qua năm quốc gia của mình có thể được tóm tắt qua hành trình của một trái táo.
Từ Frankfurt…
Điểm dừng chân đầu tiên tại châu Âu là Frankfurt. Khách sạn ở FF bên cạnh việc chặt chém tiền wifi ác như con thú (5 euro/30 phút) thì lại rất nhân đạo ở chỗ, luôn có một rổ táo xanh mơn mởn miễn phí ở quầy lễ tân. Khách đi qua nhón bao nhiêu quả tùy ý, bưng cả rổ đi có lẽ nhân viên lễ tân cũng không mảy may hé răng.
Sau một ngày ngắn ngủi ở Đức, mình và các bạn cùng đoàn tiếp tục lên đường đến các thành phố lớn nhỏ ở Bỉ, Pháp và Luxembourg.
Qua Bỉ đến Pháp…
Tại Pháp, trước khi khởi hành sang Luxembourg, một bạn trong đoàn đem đến trước mặt mình một trái táo xanh và nói rằng:
– Liên! Hành lý của tao quá nặng rồi, cho mày quả táo này. Tao mang suốt từ Đức qua Bỉ đến Pháp. Mày đã cảm nhận được thế nào là gọi là sự lưu thông tự do của hàng hóa ở Liên minh châu Âu chưa” – Trích lời thạc sĩ năm nhất, chuyên ngành châu Âu học người Malaysia, 31 tuổi.
Mình cảm động cầm lấy trái táo cũng vừa đi qua 3 nước châu Âu như mình cất vào túi và thầm nghĩ: “Táo ơi, ngày mai tao đưa mày sang tiếp Luxembourg nha. Coi như cũng không bạc đãi trái cây thơm ngon như mày”.
Rồi Luxembourg…
Ngày hôm sau sang Luxembourg, cũng là ngày cuối ở châu Âu, xúc cảm bịn rịn làm mình quên mất còn có trái táo thơm ngon trong túi. Rồi hôm sau nữa, trái táo bị lãng quên lại theo mình quay về quê hương FF để mình lên máy bay trở lại Sing.
Rồi Singapore và kết thúc hành trình tại Việt Nam
Tại Sing, trong lúc ở nhà khách chờ chuyến bay về Việt Nam, cuối cùng mình cũng nhớ ra có một quả táo quả lưu niệm châu Âu trong túi. Hít ngửi một hồi thấy vẫn tươi ngon bóng bẩy mình quyết định dừng chuyến du lịch của táo ở đây.
Lõi táo yên nghỉ trong sọt rác nhà nghỉ Drop Inn Singapore vào 1 buổi chiều muộn ngày 30/6/2012. Và tối ngày 1/7/2012, xác táo từ trong bụng của mình cũng trút hơi thở cuối cùng trong phòng vệ sinh tại nhà riêng tại Việt Nam.
Thế nào gọi là toàn cầu hóa và hội nhập? Chắc là như thế này…
Chuyện kiểm tra an ninh ở sân bay Frankfurt
Hẳn ai cũng biết, trước khi lên máy bay, nhân viên an ninh sẽ kiểm tra túi xách của bạn xem bạn có đem theo bom rơi đạn lạc đậu phộng hạt điều zzz gì đe dọa an ninh hàng không hay không.
Mình và một bạn Indo tuy không mang theo bom mìn tự chế nhưng túi xách vẫn bị giữ lại. Lí do là vì chai nước.
Mình có mua một chai nước khoáng nhưng quên không uống hết. Bác nhân viên an ninh móc ra nhìn mặt vô cảm nói “Water” rồi quẳng vèo một đường parabol vào sọt rác gần đó. Động tác dứt khoát và quyết đoán. Không cần hỏi mình có muốn uống nốt hay không.
Còn trường hợp bạn Indo, thì không biết nên khóc hay nên cười.
Bạn ý mang chai nước cá nhân từ nhà đi, thường hay trút nước vào chai và mang theo khắp nơi để uống. Chắc vì chai nước của bạn ý to đẹp nên bác nhân viên kia không nỡ quăng vào sọt rác như chai nước khoáng của mình.
Mình lúc đó đứng cạnh bạn Indo, tai to đùng ra nghe lỏm. Người châu Âu đúng là rất nhân từ và bác ái. Bác ý đưa chai nước còn gần đầy cho bạn Indo và nói:
– Uống hết đi.
Bạn Indo đứng hình mất vài giây…líu lưỡi hỏi lại:
– Uống? Tao đem đổ hết đi được không?
Bác kia lắc đầu, mấp máy môi nhắc lại:
– Uống đi.
Bạn Indo tay run run nhận lại chai nước 1 lít, mở nắp và ngửa cổ, bắt đầu uống… Mình chưa từng thấy hành động uống nước nào lại bi kịch, tráng lệ và lẫm liệt như hành động uống nước của bạn Indo ngày đó tại sân bay Frankfurt huhu. Bác nhân viên an ninh vẫn mỉm cười hiền từ gật gù ra vẻ hài lòng.
Khi chai nước chỉ còn non nửa, bạn Indo quay lại nhìn mình nghẹn ngào:
– Liên, giúp tao.
Mình đỡ chai nước từ tay bạn, bác nhân viên kia lại chuyển ánh nhìn khích lệ về phía mình. Cuối cùng, phải nhờ sự giúp đỡ của một bạn khác nữa, nước mới không còn giọt nào trong chai. Bác nhân viên an ninh lúc này hoàn toàn thỏa mãn:
– Good job.
Bàng quang của 3 người gần đó nghe thấy cũng như được an ủi phần nào.
—
Bài viết trên được trích 90% nguyên văn từ Note ngày đó mình up trên Facebook cá nhân. 10% còn lại đã được mình biên tập sương sương để bớt lỗi chính tả và những từ khiếm nhã mà tuổi trẻ nghĩ là hay ho lắm khi cho vào 😀
Khóa học năm đó của mình kéo dài một tháng với hai tuần seminar ở Singapore và hai tuần thực tế ở bốn nước châu Âu. Các bạn đón đọc những phần tiếp theo nha, hoặc đọc thêm các bài viết về trải nghiệm cá nhân của mình như bên dưới: